Chuyện kể rằng khi quân Thanh nhân lời cầu viện của vua Lê Chiêu Thống kéo vào xâm lược nước ta nhưng lại lấy danh nghĩa “phù Lê”, “giúp khôi phục nước cũ”; tướng lĩnh Tây Sơn ở Bắc Hà theo kế của Ngô Thì Nhậm rút lui về Tam Điệp (nay thuộc Ninh Bình) lập phòng tuyến và cho người vào Phú Xuân cấp báo với chủ tướng Nguyễn Huệ.

            Theo sách Hoàng Lê nhất thống chí, các quan tướng đã khuyên Nguyễn Huệ lên ngôi để “ban lệnh ân xá khắp trong ngoài, để yên kẻ phản tắc và giữ lấy lòng người rồi sau cất quân ra đánh dẹp đất Bắc cũng chưa là muộn”. Theo lời tâu đó, Nguyễn Huệ bèn “cho đắp đàn trên núi Bân (ở địa phận xã An Cựu, huyện Hương Trà, Thừa Thiên), tế cáo trời đất cùng các thần sông, thần núi; chế ra áo cổn mũ miện, lên ngôi hoàng đế, đổi năm thứ 11 niên hiệu Thái Đức của vua Tây Sơn Nguyễn Nhạc làm năm đầu niên hiệu Quang Trung. Lễ xong hạ lệnh xuất quân, hôm ấy nhằm vào ngày 25 tháng Chạp năm Mậu Thân [1788]”.

Tượng Quang Trung ở núi Bân.

             Tương truyền rằng sau khi làm lễ, trước ba quân đội ngũ chỉnh tề, gươm giáo sáng lòa, vua Quang Trung nói rằng nếu điềm trời cho đại binh thắng giặc thì 200 đồng tiền sẽ sấp cả; sau đó ông sai người khiêng tới một hương án khói hương nghi ngút và một mâm tiền đồng. Khấn vái xong, vua bưng mâm tiền dâng cao quá đầu rồi hất tung lên; quân sĩ chăm chú nhìn tiền rơi tung tóe trên bãi cỏ xanh rồi cùng kinh ngạc reo lên: Sấp! sấp cả rồi… Chúng ta sẽ đại thắng.

             Vua Quang Trung tươi cười nói lớn rằng tất cả các đồng tiền đều sấp, thế là trời đã phù hộ, báo điềm thắng trận. Ông động viên quân lính hãy nức lòng đánh giặc. Quân sĩ reo hò vang trời rồi rùng rùng tiến binh, ai cũng vững một niềm tin chiến thắng. Rất ít người biết rằng “điềm trời” đó là một mẹo nhỏ của Quang Trung, ông đã bí mật cho đúc 200 đồng tiền đều có mặt sấp để khi xin âm dương trong buổi lễ nhằm cổ vũ tinh thần ba quân.

Quang Trung đại bảo.

             Chuyện đồng tiền ấy tưởng chừng chỉ là giai thoại, nhưng thực tế giới khảo cổ học và sưu tầm tiền đã tìm được nhiều tiền Quang Trung thông bảo có hai mặt giống nhau, có người giải thích nguyên nhân là do ráp nhầm hai khuôn đúc tiền có hai mặt chữ, nhưng cũng có thể chúng được đúc với mục đích nào đó mà chúng ta chưa khám phá được. Theo tác giả sách Lịch sử tiền tệ Việt Nam, sơ truy và lược khảo thì: “Một đồng tiền gồm 2 mặt, mặt có niên hiệu của vua là mặt dương, còn mặt không có chữ là mặt âm. Đã là điềm trời cho thì tất cả đều phải có chữ Quang Trung mới đúng ý nghĩa tâm linh, chứ nếu tất cả đều sấp thì làm sao thắng trận. Rất có thể những đồng tiền 2 mặt có chữ Quang Trung nói trên đã được đúc trong truyền thuyết này chăng?”. Và hiện tại, các nhà sưu tầm tiền Việt Nam còn phát hiện thêm có tiền Cảnh Thịnh Thông Bảo ( Vua Quang Toản ) cũng có 2 mặt chữ với số lượng ít hơn.

Nguồn: Sưu tầm